THE PATH – CON ĐƯỜNG KHAI TÂM

Khi vừa xuống khỏi xe Tuk-tuk, một âm thanh huyên náo khiến tôi quay lại, trước mắt là một nhóm người đang khiêng một cái gì đó giống như băng ca, đặt ai đó nằm lên trên, được bọc trong vải vàng, vừa đi vừa hô vang liên tục “Ram Naam Satya Hai”.

Tôi đã có mặt tại Manikarnika Ghat, hữu duyên gặp người quản lý toàn bộ công việc vận hành tại đây. Anh ta dẫn tôi đi một vòng để giới thiệu. Bắt đầu từ trên cao nhìn xuống, đã có một làn khí nóng, nhiều khói ám, như “táp” vào mắt khiến tôi thấy cay xè. Ghat này vô cùng nhộn nhịp, đây là “lằn ranh” giữa sự sống và cái chết. Tại đây có rất nhiều người sống, và cũng vô cùng đông đúc người chết. Người sống mang người chết đến đây, tiễn đưa họ đi ở chặng chuyển tiếp. Đó là sự chuyển tiếp giữa đời sống lần này và đời sống tiếp theo. Người sống sẽ khiêng người chết đến nơi hỏa táng, vừa đi vừa hô vang một câu nói, lặp đi lặp lại. Thì ra đây là cảnh tượng tôi nhìn thấy đầu tiên khi xuống xe tuk-tuk, như đã được nhắc đến ở trên. Thông qua trao đổi với người quản lý, tôi được biết câu nói đó có nghĩa là “Tên của Ram là sự thật”. Tuy anh ấy không giải thích rõ ràng ý nghĩa của câu nói trên, tuy nhiên tôi có thể chia sẻ với bạn một cách đơn giản rằng, Ram là một trong những vị thần quan trọng ở Ấn Độ, được xem là một hoá thân (avatar) của Thượng Đế. Khi tụng niệm danh hiệu của Ram liên tục ở bên cạnh người chết, trên chặng đường cuối cùng ở dương thế, trước khi xác “đắm mình” trong ngọn lửa hoả thiêu, có thể mang đến nguồn năng lượng tốt lành cho người đã khuất. Nó cũng giống như tại Việt Nam, khi một người qua đời, người ta tụng niệm liên tục, hoặc mở băng cát sét, hoặc máy phát có tụng niệm “Nam mô A Di Đà Phật” liên tục bên tai của người chết vậy. Nguồn năng lượng từ âm thanh tụng niệm vẫn có chân lý ở trong đó, nó được tin rằng có thể dẫn đường cho linh hồn đi đến nơi tốt đẹp, cõi sáng, hay miền cực lạc. Và nếu như người sắp chết được nghe âm thanh tụng niệm đó liên tục, nó sẽ trở thành một suy nghĩ sau cùng của họ, và bạn biết đấy, những suy nghĩ sau cùng ở kiếp sống này có thể làm hiển lộ một “samskara” mạnh mẽ bậc nhất, một nghiệp quả “nguy hiểm” nhất trồi lên, đóng vai trò như “nhân” tạo tác ra “quả” là kiếp sống tiếp theo, định hướng cho từ trường chiều kích của cõi giới tiếp theo mà người chết thuộc về. Vậy thì, sẽ tốt hơn nếu suy nghĩ cuối cùng đó không phải là một suy nghĩ sân hận, nhỏ nhen, giận dữ, buồn bã, tiếc nuối, mà đó là một suy nghĩ có liên hệ trực tiếp đến một vị Phật, hay một vị Thần vô cùng linh thiêng nào đó, được liên kết bởi tiếng tụng niệm liên tục như vậy, thậm chí, là một sự liên hệ với chân lý. Và nếu đi theo chân lý, bạn sẽ tìm thấy sự giải thoát thực sự. Điều đó sẽ rất tốt lành cho người chết.

Gió vẫn thổi, và có lẽ không cần gió thổi vào từ sông Hằng, khói từ lửa ở đây vẫn nghi ngút đến nỗi nó bốc lên không ngừng và ập vào mắt tôi, dù tôi đã đứng xa ở trên cao. Có rất nhiều ngọn lửa hoả thiêu được thắp lên tại đây. Khi gia đình mang người chết, được quấn chặt trong một tấm vải màu vàng, như một loại quan tài theo truyền thống ở đây, đến Manikarnika Ghat, cả người chết và người sống sẽ được thực hiện một số nghi thức, rồi đến phần quan trọng bậc nhất, đó là hoả thiêu. Sở dĩ người Ấn Độ, không chỉ tại Varanasi mà còn ở nhiều nơi trên khắp cả nước, đều mong muốn đưa người thân đã qua đời của mình đến đây để hoả thiêu, vì họ có niềm tin vào sức mạnh thanh tẩy của lửa. Thật ra, ở phương diện khoa học tâm thức, lửa là nguyên tố mạnh bậc nhất trong 5 nguyên tố (đất, nước, khí, lửa, không gian hay ether), tượng trưng cho tinh thần và linh hồn. Năng lượng “thiêu rụi” của lửa ở phương diện tâm linh mang sức mạnh của sự “thanh tẩy”. Ví dụ, bạn có thể viết ra một nỗi buồn vào giấy, rồi đốt tờ giấy đó đi, và cảm nghiệm xem sức mạnh thanh tẩy đó được vận hành, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn như thế nào. Dù rằng tất nhiên để thanh tẩy trọn vẹn hoàn toàn bạn cần những thực hành sâu sắc khác để chuyển hoá các ký ức đó trong sâu thẳm bên trong tâm thức của mình. Tuy nhiên, làm việc với lửa vẫn có những công hiệu tức thì. Đó cũng là lý do vì sao ở xứ mình, một số người lại đốt phong lông, để “xả xui”, vì họ cũng mong muốn “thanh tẩy cái xui xẻo đó”. Tuy nhiên, vì không hiểu rõ bản chất mà chỉ “bắt chước” như một thói quen, họ không thực sự thanh tẩy được điều gì mà nó giống như một sự vận hành của tâm trí mê tín, hơn là dựa trên kinh nghiệm thực chứng thực sự của khoa học tâm thức. Nên, đó cũng là lý do người dân Ấn Độ mong muốn được hỏa thiêu khi chết, vì họ tin rằng như thế các nghiệp quả khi còn sống của họ sẽ được thanh tẩy, họ sẽ được chuyển đến một đời sống tiếp theo tốt đẹp hơn, hoặc có thể lên thiên đàng. Và còn gì bằng khi được hỏa thiêu ở nơi linh thiêng bậc nhất như ven sông Hằng – một nơi có năng lượng thanh tẩy cực mạnh – ngay tại thành phố ánh sáng Varanasi? Đó là lý do người sống và người chết tấp nập kéo đến đây, để thực hiện tâm nguyện cuối cùng của người-đã-dừng-thở.

Không phải chỉ sống mới tốn tiền. Chết cũng có thể là một việc rất xa xỉ và tốn kém. Ở tại xứ mình, người ta tốn bao nhiêu tiền cho cái chết? Ngoài tiền cho các thủ tục, nghi lễ, còn tiền đất chôn cất người đã khuất. Không phải tự nhiên mà “bất động sản người chết” lại là một lĩnh vực cũng rất tiềm năng về mặt kinh doanh. Hoá ra, không chỉ sống, chết rồi vẫn rất tốn kém như thường! Việc hoả thiêu cũng có những năng lượng tốt đẹp và tích cực, nếu xét đến phương diện không tốn thêm diện tích đất, người chết không còn cần phải “tranh” đất đai với người sống. Tuy nhiên, ở xứ Ấn, và ở tại đây, nơi được gọi là “Kashi” (thành phố ánh sáng), ở ngay trước mắt tôi đang quan sát, việc hoả thiêu không thực sự là một phương án tiết kiệm và rẻ tiền, nó có thể trở nên rất tốt kém. Theo lời anh quản lý, để đốt hoàn toàn một cái xác cần đến một lượng gỗ lớn, và số gỗ này không hề miễn phí. Tuỳ theo xuất thân, địa vị và khả năng chi trả, người ta có thể chọn gỗ trầm, hay gỗ đàn hương. Người có địa vị cao, giàu có hơn có thể dùng các loại gỗ thơm. Gỗ càng “VIP” thì càng tốn tiền. Nên nhiều gia đình, hay nhiều người sắp chết, phải đi ăn xin, tìm mọi cách để tích lũy tiền bạc nhằm “lo liệu” cho cái chết của mình. Bởi lẽ nếu không có gỗ thì không thể đốt xác, khi đó xác có thể được thả thẳng ra ngoài sông Hằng làm mồi cho các loại sinh vật. Đời thật vô thường! Nhưng cũng có những cái hoặc là bất thường, hoặc là bình thường kể cả khi sống hay khi chết, đó là sự tốn kém, là kiếp sống “những người cùng khổ”. Một lúc nào đó, ta cũng hoàn toàn tâm đắc câu nói “Đời là bể khổ”, dù ta có thể hiểu mọi ý nghĩa tích cực của câu nói này…

Đứng trên lầu nhìn toàn cảnh, anh quản lý nói với tôi kể cả chết vẫn chia theo giai cấp, địa vị. Hoá ra, dù rằng ai rồi cũng sẽ phải chết, dù có là tỷ phú hay sống ở khu ổ chuột. Đúng ra, tất cả đều bình đẳng trước cái chết. Dù vậy, ở đây, đứng trước cái chết, con người ta vẫn… không được bình đẳng. Đằng kia là khu vực cho đẳng cấp thấp nhất, rồi cao hơn, rồi cao hơn nữa… Và ở trên này, ngay trên lầu cao tôi đứng, chẳng thấy ngọn lửa nào, có lẽ vì “VIP” thì số lượng khan hiếm, còn ở phía dưới thì chi chít xác chết và lửa vàng, bởi lẽ ở ngay trên này là khu vực dành cho đẳng cấp cao nhất trong xã hội, những người Bà La Môn. Toàn bộ khu vực huyền thoại này, dẫu vô cùng linh thiêng, và cũng có những ý nghĩa rất tốt đẹp, thì vẫn được “quy hoạch” rất kỹ những nơi chốn khác nhau cho xác chết của từng hạng người, từng loại đẳng cấp khác nhau trong xã hội, được đặt ở đấy và làm thủ tục hỏa thiêu. Thông thường để đốt cháy hoàn toàn một cái xác sẽ mất từ 3-5 giờ, và xác chết không thể bị thiêu rụi 100%, sẽ có những phần trên cơ thể còn sót lại, tất cả cuối cùng đều sẽ được đem rải hết xuống sông Hằng, từ phần còn sót không cháy hết, cho đến toàn bộ tro tàn của người khuất. Trong suốt hàng nghìn năm qua, thủ tục hỏa thiêu người chết vẫn liên tục được diễn ra tại đây. Mỗi ngày trung bình khoảng hơn 100-200 người chết được mang đến đây. Mỗi xác thiêu trung bình từ 3-5 giờ. Điều đó đã giữ cho ngọn lửa hoả thiêu thần thánh tại đây vẫn mãi sáng rực, chưa bao giờ tắt đi, trong suốt hàng nghìn năm qua, dù là ban ngày hay nửa đêm, nơi đây vẫn hoạt động 24/7.

Dù thông tin trên phần nào mang yếu tố truyền miệng, qua quá trình kiểm chứng, tôi nhận thấy nó có rất nhiều cơ sở, miễn là không cần hiểu theo một ý niệm quá tuyệt đối. Có thể đó là một cách nói, tuy nhiên ngọn lửa này thực sự đã “cháy mãi không tắt”, luôn luôn có một ngọn lửa mãnh liệt màu vàng cam đang thiêu rụi một thi thể nào đó ở đây, bắt nguồn từ thời xa xưa, từ khi thần Shiva đã thắp lên ngọn lửa thiêng này, cho đến tận ngày hôm nay. Vì vậy nguồn năng lượng tâm linh và sức mạnh thanh tẩy của nơi này rất dữ dội.

Một điều rất tích cực, đó là người sống khi đưa người chết đến đây, xuyên suốt toàn bộ quá trình hỏa thiêu, họ không khóc, hoặc có thể hiểu là họ không được khóc, họ biết mình không nên khóc, họ cố tỏ ra tĩnh lặng, thả lỏng, dù có đau buồn như thế nào đi nữa. Vì điều đó sẽ mang đến một nguồn năng lượng tốt lành, thanh thản, giúp người chết đi đến cõi giới sáng hơn, thanh hơn, thay vì bị “kéo lại” và bị “chấp niệm” vào sự đau khổ, bi thống của người ở lại. Điều này cũng được nói đến rất kĩ ở chương “Đi qua cái chết, đi đến miền sáng” trong sách “Hành trình thức tỉnh”. Có thể xem đây là một điểm sáng về mặt tâm linh ở khu vực này. Không có tiếng ai oán, kêu la, khóc lóc thảm thiết. Người ta thực hiện chu toàn bổn phận của mình với người chết, trầm lặng theo dõi ngọn lửa hoả thiêu, linh hồn như cũng được “cuốn” vào hoà làm một với ngọn lửa ấy, trầm ngâm và ngộ ra một cái gì đó về sự sống và cái chết. Khi họ thực sự có niềm tin rằng cái chết không phải là hết, đó chỉ là một sự chuyển tiếp, họ sẽ đỡ đau buồn mà sẽ có sự thanh nhẹ để hỗ trợ năng lượng cho người ra đi. Đó là điều mà ngọn lửa thiêng nghìn tuổi ở đây vẫn sáng rực suốt bao năm qua, để nhắc nhở chúng ta về sự thật giản dị, đẹp đẽ, và sâu sắc đó.

Khi đi một vòng ở khu vực bên dưới, đi qua từng xác chết, từng bãi hoả thiêu, ngắm nhìn những ngọn lửa vàng rực đang chuyển hoá thân xác vật lý của con người trở về với hư không, những bộ xương cháy đen và các bộ phận trên cơ thể người còn sót lại, gương mặt và cảm xúc của những người sống là người thân trong gia đình đến tiễn đưa người chết, những nghi thức linh thiêng tại đây… Tôi hoàn toàn thấu cảm được vì sao Manikarnika Ghat và nghi thức hỏa thiêu người chết trên sông Hằng có thể là một trải nghiệm vô cùng dữ dội, cực kỳ khó quên trong cuộc đời của một người khi đến đây. Đối với một người khai tâm, trải nghiệm này có thể rất sâu sắc, vì bản thân cái chết đã là một bí ẩn lớn lao với loài người tự cổ chí kim. Sự sống và cái chết. Bầu trời và đám mây. Những ranh giới mờ ảo mong manh giữa thực tại và ảo tưởng, giữa chân và ngụy, những suy nghĩ đầy tính triết lý, nhân văn, những trăn trở đầy khắc khoải về số phận và đời người… Tất cả những điều này có thể gây ra những chấn động sâu sắc từ bên trong, giúp khai mở tâm thức của người hữu duyên khi có mặt tại đây.

Từ đây, tôi tiếp tục đi bộ dọc ven sông Hằng, để đến Ghat tiếp theo chỉ cách đó tầm hơn trăm mét. Đây cũng là một Ghat quan trọng và nổi tiếng bậc nhất ở Varanasi, là nơi diễn ra lễ hội to và “hoành tráng” nhất mỗi tối.

Khi thả bộ tại đây, thật dễ dàng nhận ra rất nhiều người đang đắm mình xuống dòng sông Hằng để tắm táp, gội rửa… Tôi ngồi tại một bậc thang và quan sát thật cẩn thận. Người ta không chỉ ngâm mình xuống dưới nước sông – con sông linh thiêng mà họ luôn hướng về, “ao ước” một lần trong đời đến đây như một chuyến hành hương (với những người ở xa). Họ còn gội đầu, rửa mặt, và còn húp nước này để súc miệng. Mặc dù chỉ cách đó một chút xíu thôi, người ta thả trôi rất nhiều xác chết, các bộ phận còn sót lại sau hoả thiêu, cũng như rải toàn bộ phần tro bụi của người chết xuống chính dòng sông này, trôi nổi đi tiếp… Vậy thì việc trầm mình xuống đây, dùng nước để rửa mặt, súc miệng, thật cũng chẳng khác gì bạn đang tiếp xúc, hay ngậm trong miệng tất cả những “thứ” còn sót lại của hàng trăm người chết mỗi ngày. Thậm chí, nhiều người còn uống luôn cả thứ nước này và cảm thấy vô cùng vinh dự vì điều đó. Nếu là khách du lịch thông thường, có lẽ rất nhiều người sẽ cảm thấy bị sốc, nôn oẹ, và cảm thấy vô cùng bẩn, mất vệ sinh.

Thật ra, khi đi sâu vào tâm linh, ta sẽ hiểu ý nghĩa và sức mạnh của sự “thanh tẩy”. Đôi khi, có những nghi thức có thể tạo ra nguồn năng lượng thanh tẩy khá mạnh mẽ. Đôi khi, chính niềm tin lại tạo ra sự thanh tẩy này. Cũng giống như một vị Chúa bước đi trên trần gian, chỉ dùng sức mạnh từ niềm tin của mình để biến nước bẩn thành nước thánh. Tất nhiên để làm được như vậy, một cách ổn định, người đó cần thuần thục những “công nghệ chuyển hoá”, có một tâm thức trong suốt thiêng liêng và đã là một linh hồn tiến hoá. Theo những gì tôi cảm nhận, người dân đến đây chỉ đơn giản là có đủ sự vô tư, cùng với niềm tin mãnh liệt vào “năng lực thanh tẩy” của sông Hằng huyền thoại, con sông có thể thanh tẩy cả thứ “bí ẩn, khó hiểu và đáng sợ nhất” như cái chết. Và vì tin vào khả năng này, họ “vô tư” uống thứ nước đã hoà trộn biết bao “chất” của rất nhiều người chết, và có sự tin tưởng tuyệt đối rằng nó mang đến lợi lạc cho linh hồn của mình. Có thể chính điều này đã khiến họ không phải đối diện với những vấn đề liên quan đến vệ sinh, đau bụng, hay vi khuẩn. Dù rất khó nắm bắt bằng phương diện lý trí thông thường, nhưng đó là những gì mà tôi thấu hiểu qua quá trình thực hành, với tất cả những gì đang diễn ra trước mắt mình. Đối với nhiều người tu tập, kể cả những người nước ngoài khi đến đây, việc ngâm mình tắm trong dòng nước “siêu bẩn” này là một trải nghiệm “gây sốc tâm linh” và “tuyệt đỉnh thiêng liêng” với họ, nó giống như 1 thử thách mà họ kiếm tìm. Nó có thể hơi kỳ lạ, nhưng lại rất ý nghĩa trên hành trình họ đang tìm kiếm. Thật ra, nếu bản thân chưa có những chứng ngộ cần thiết về sự thật, về chân lý, có lẽ tôi vẫn mang trong mình tâm thức của một kẻ đi tìm (seeker), một người lang thang (wanderer), dù không phải người lang thang nào cũng là người lạc lối, nhưng đa phần người lang thang là như vậy, họ chấp nhận đánh mất (lost) “chính mình”, để bản thân “ở giữa dòng”, trôi đi bất định. Và vì thế họ có thể có xu hướng tìm kiếm những thử thách tâm linh, những trải nghiệm tâm linh có tính huyền bí, thách thức trí óc và trí tò mò vô tận. Nên họ bị “cuốn theo” những trải nghiệm kỳ dị, có gì đó quái lạ, khác người, càng phủ lên một lớp sương mù của sự huyền bí càng tốt. Nếu như thế, có lẽ tôi đã không ngần ngại nhảy xuống dòng nước này, làm tất cả những gì cần thiết, kể cả uống nhiều ngụm nước của nó, vì đang mang tâm thức háo hức của một kẻ đi “cầu đạo”. Tôi hoàn toàn không cảm thấy ghê tởm hay e ngại các vấn đề vệ sinh của dòng nước này. Tôi chỉ đơn giản là không còn cần phải làm như vậy. Vì tôi thấu hiểu ánh sáng từ con đường tỉnh thức cũng như hành trình thức tỉnh là gì. Và vì thế, tôi bình an quan sát tất cả những hoạt động trải nghiệm của mọi người ở đây.

Và còn biết bao những trải nghiệm kỳ diệu khác tại xứ sở trung tâm tâm linh của thế giới trong suốt hàng ngàn năm – xứ Ấn. Chuyến hành trình này đã đưa tôi đi từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn, từ sa mạc phía Tây lên đến vùng núi cao phương Bắc, từ theo dấu chân Shiva đến dấu chân của Đức Phật… Có những câu trả lời đã được ghi chép rõ ràng trong “The Path – Con Đường Khai Tâm”:

-Để thực hiện một chuyến đi khai tâm như vậy tại Ấn Độ, về chi tiết cần chuẩn bị gì và làm cụ thể những gì, cách thức và lộ trình thế nào?

-Những trung tâm năng lượng tâm linh nên đến từ Nam chí Bắc ở xứ Ấn.

-Tại sao đạo Phật được khai sinh tại xứ Ấn nhưng ngày nay chưa đến 1% dân số Ấn Độ theo đạo Phật?

-Phật giáo có thực sự cấp tiến hơn Bà La Môn không?

-Vì sao càng đi sâu vào con đường tâm linh, càng nên tôn trọng Hindu giáo hay Ấn Độ giáo?

-Vì sao Đức Phật ngay sau khi thành đạo lại chọn “thành phố của Shiva” làm nơi đầu tiên thuyết Pháp?

-Phật pháp vẫn có sức ảnh hưởng kỳ diệu và sâu sắc tại Ấn Độ như thế nào, kể cả khi chỉ còn dưới 1% dân số tu tập theo?

-Vì sao trong suốt 1 thời gian dài, Ấn Độ lại là một trung tâm tâm linh quan trọng của thế giới?

-Con đường khai tâm là gì và người khai tâm làm gì?

-Những chân lý của thời đại mới có thể thực sự giúp chuyển hoá con người và dân tộc?

Cám ơn bạn và chúc bạn những bước chân vững vàng, cân bằng và đẹp đẽ trên con đường khai tâm.

Inti Foundation & MinhBooks