Để khởi nghiệp, chỉ chuyên môn thôi là chưa đủ. Có phải chúng ta vẫn thường vận hành mọi việc như vậy không? Một người giỏi làm bánh, và người đó nghĩ rằng mình có thể mở hiệu bánh? Một người giỏi may vá, thế là người đó nghỉ việc công ty và mở xưởng may riêng của mình? Hãy cẩn thận! Đó có thể là một sai lầm lớn!
Đó là những nhận định của doanh nhân trẻ Tạ Minh Tuấn. Anh từng được Forbes bình chọn trong danh sách 30 gương mặt trẻ nổi bật dưới 30. Theo anh để khởi nghiệp thành công, chuyên môn thôi là chưa đủ. Bởi vì chuyên môn đôi khi nó giới hạn người khởi nghiệp chỉ trong phạm vi chuyên môn, khiến người đó không thể xử lý thế trận một cách toàn diện được, mà cứ quanh quẩn bên các vấn đề kỹ thuật.
Ngoài ra người này còn mắc phải một căn bệnh đó là “nhân viên làm thì không chất lượng được như mình, nên mình tự làm luôn, mình không dám giao việc cho nhân viên”. Như thế người chủ doanh nghiệp không được giải phóng, họ không thể tạo ra sức ảnh hưởng lớn hơn, không thể tạo ra tác động lớn lao hơn, và không thể phát triển được quy mô của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, người doanh nhân không làm chủ doanh nghiệp, mà họ để cho doanh nghiệp làm chủ mình. Nên đôi khi, có chuyên môn tốt còn là một con dao hai lưỡi.
Để khởi nghiệp thành công, cần có 3 trụ cột gắn kết mật thiết với nhau như “kiềng ba chân”. Theo đó, năng lực chuyên môn chỉ là một phần. Chuyên môn có liên quan đến sản phẩm. Ví dụ, bạn mở tiệm bánh, bạn có chuyên môn làm bánh, sản phẩm của bạn là những chiếc Cupcake. Hay bạn mở trung tâm dạy Anh văn, bạn có bằng Tesol (một loại chứng nhận cho những giảng viên dạy tiếng Anh), sản phẩm của bạn là những khóa đào tạo tiếng Anh.
Chuyên môn ở đây không phải là chuyên môn sale, marketing, nhân sự… mà là lĩnh vực công ty đang kinh doanh, ví dụ: bất động sản, giáo dục, y tế… Bạn cần có sự am hiểu về nó. Hoặc bản thân bạn có nghề, từng làm thuê trong lĩnh vực đó lâu năm.
Kiềng ba chân để khởi nghiệp thành công
Rất nhiều người cho rằng chỉ cần có chuyên môn là họ đã có thể khởi nghiệp. Đó là một sai lầm nghiêm trọng khi họ bỏ qua hai yếu tố sau:
Một là năng lực lãnh đạo. Điều Tạ Minh Tuấn muốn nói đến cả khả năng điều hành. Quay trở lại ví dụ về việc mở tiệm bánh ở trên, nếu bạn chỉ có năng lực chuyên môn, bạn sẽ trực tiếp làm ra những chiếc bánh thật thơm ngon. Hiểu về sản phẩm là một lợi thế. Nhưng nếu không có năng lực lãnh đạo thì từ ngày bạn mở ra doanh nghiệp cho đến nhiều năm về sau, vẫn chỉ có một mình bạn làm bánh.
Điều đó có nghĩa là quy mô của doanh nghiệp rất nhỏ bé vì nó phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Thậm chí, bạn còn sức khỏe thì bạn làm bánh, nếu bạn ốm đau bệnh tật thì doanh nghiệp của bạn sẽ dừng lại theo bạn. Để thành công hơn, rõ ràng bạn cần xây dựng và chuẩn hóa nên cả một hệ thống kinh doanh, bạn phải biết cách để kiểm soát hệ thống đó.
Bạn cũng cần biết cách để thu hút được nhiều người về làm việc với mình, khơi gợi năng lực tiềm tàng ở họ để họ chiến đấu hết mình, phát huy tối đa tiềm năng khi làm việc với bạn. Khi đó bạn sẽ đào tạo và phát triển họ. Để doanh nghiệp không chỉ có một mình bạn là thợ làm bánh, mà sẽ có 10-20-30 người thợ như vậy. Khi bạn điều hành tốt, hệ thống sẽ phát triển và bạn sẽ có nhiều cơ sở làm bánh, nhiều chi nhánh khác nhau. Và cho dù bạn có tạm nghỉ một thời gian thì doanh nghiệp của bạn vẫn chạy ổn. Đó là năng lực lãnh đạo – điều hành.
Hai là, bạn còn phải có năng lực kinh doanh. Ở đây cụ thể là năng lực làm sao để có được khách hàng. Vì trong kinh doanh, tất cả mọi thứ bắt đầu từ khách hàng . Doanh nghiệp không chết vì không có sản phẩm tốt nhất thế giới. Doanh nghiệp chết vì không có đủ khách hàng. Bạn cần phải biết cách bán hàng, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, thực thi chiến lược – chiến thuật – kế hoạch hành động của mình, Quản lý tốt tài chính để thực thi các việc trên, để lấy được khách hàng. Trong một doanh nghiệp, người trả lương cho nhân viên không phải là ông chủ, cũng chẳng phải cổ đông, suy cho cùng, đó chính là khách hàng. Vì vậy, như Sam Walton – người sáng lập Walmart – đã nói, “khách hàng chính là người chủ thực sự của bạn”.
Quay trở lại với ba năng lực cốt yếu trong khởi nghiệp. Ba năng lực này có mối liên hệ mật thiết với nhau. Năng lực sản phẩm giúp đảm bảo chất lượng, khiến cho việc bán hàng dễ dàng hơn. Năng lực kinh doanh giúp đưa sản phẩm đến nhiều người hơn. Năng lực lãnh đạo giúp phát triển đội ngũ thực thi các nhiệm vụ liên quan đến sản phẩm, kinh doanh, từ đó gia tăng quy mô thành công của doanh nghiệp. Đây chính là “kiềng ba chân” của khởi nghiệp thành công.
Theo Tạ Minh Tuấn, một mình bạn có lẽ khó lòng có đủ cả ba loại năng lực này. Nên bạn có thể tìm người đồng hành là các Co-Founders. Theo kinh nghiệm của anh, một doanh nghiệp cần có 3 nhân vật quan trọng.
Đầu tiên là một người chịu trách nhiệm về sản phẩm. Người này dành 100% tâm trí cho một việc: Làm sao tạo ra một sản phẩm thật chất lượng. Bởi lẽ, nếu sản phẩm không có chất lượng thì đổ tiền vào marketing, quảng cáo có khác gì đổ tiền vào cái phễu không đáy?
Trong kinh doanh, sản phẩm thể hiện cái tâm của doanh nhân. Một kẻ có tâm bất chính sẽ đi trên đường, nhặt một hòn đá, mang về mãi nhẵn hòn đá đó rồi quảng cáo rằng đó là đá thiên thạch từ vũ trụ, và bán với giá hàng triệu đô la.
Tiếp theo là một người chịu trách nhiệm về khách hàng. Người này dành 100% năng lượng cho một việc: Làm sao để mang sản phẩm ở trên đến với thật nhiều khách hàng, càng nhiều người sử dụng càng tốt.
Tuy nhiên, người chịu trách nhiệm về sản phẩm với người chịu trách nhiệm về khách hàng có thể thường “mâu thuẫn” và xung đột với nhau. Nên trong đội nhóm cần một người lãnh đạo thực thụ để duy trì sự cân bằng cho cả đội.
* Nội dung bài viết tham khảo cuốn sách Trước bình minh luôn là đêm tối- Tạ Minh Tuấn.
Link bài viết gốc trên Cafebiz: http://cafebiz.vn/sai-lam-kinh-dien-cua-nguoi-muon-startup-gioi-lam-banh-va-nghi-rang-minh-co-the-mo-hieu-banh-20180602120137299.chn
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp
>> Khóa học Khởi nghiệp Kinh doanh
>> Khóa học Kích hoạt Năng lượng Thành công