(PL)- Tạ Minh Tuấn tính nâng cấp mô hình bác sĩ gia đình để tất cả người dân được tầm soát bệnh ngay từ đầu, không để tình trạng ung thư gọi tên mới biết.
Phòng khám bác sĩ gia đình của BV quận 5 (TP.HCM) mở cửa, có năm bệnh nhân trật tự ngồi đợi ở ghế. Bác sĩ khám xong, một lúc sau lại có một nhóm bệnh nhân khác đến đợi khám. Không hề có chuyện quá tải, dồn ứ như nhiều nơi khác.
Bà Lâm Lục Huệ (54 tuổi, hẻm 2/2 đường Lò Siêu) cho biết bà đăng ký theo khám BS Trần Văn Nghĩa của BV quận 5 hơn một năm nay. Bà nói: “Tôi được BS Nghĩa theo dõi cặn kẽ. Khi tôi đến gặp là bác sĩ hỏi thăm đã bớt chóng mặt hay chưa. Bác sĩ biết rõ tôi bị những bệnh gì và tư vấn rất cặn kẽ. Sau đó bác sĩ cho thuốc giúp ngủ ngon, giờ tôi hết chóng mặt, các bệnh khác cũng hết”.
Bác sĩ và bệnh nhân gắn bó như người thân
Bà Huệ cho biết từ khi theo mô hình bác sĩ gia đình, bà cảm thấy rất yên tâm và gắn bó với bác sĩ như người nhà. Các bệnh lặt vặt được bác sĩ giải quyết sớm. “Nếu đi các bệnh viện khác, tôi phải ngồi đợi và mỗi lần khám là phải làm các xét nghiệm từ đầu” – bà nói.
BS Trần Văn Nghĩa, Trưởng khoa Phòng khám gia đình BV quận 5, cho biết các bệnh nhân được lựa chọn “theo” bác sĩ nào. Họ có lịch làm việc của bác sĩ nên khi muốn khám, họ chỉ cần đăng ký thời gian đến khám. “Bệnh nhân yên tâm bởi các bệnh nhẹ được giải quyết từ sớm, không phải lo chuyển lên tuyến trên. Nếu gặp các ca khó, BV ĐH Y Dược tổ chức hội chẩn trực tuyến với chúng tôi” – ông nói.
Theo BS Nghĩa, mô hình bác sĩ gia đình được BV quận 5 triển khai cách đây hơn chục năm nhưng vì còn gặp một số khó khăn nên phải tạm ngưng.
BS Trần Văn Nghĩa đang khám bệnh cho bệnh nhân tại Phòng khám bác sĩ gia đình BV quận 5. Ảnh: H.MINH
Sau đó, trong một hội thảo, ông có cơ duyên gặp anh Tạ Minh Tuấn và họ thảo luận hợp tác để thực hiện mô hình này. Bên công ty Tuấn giới thiệu bệnh nhân tiếp cận các bệnh viện có mô hình bác sĩ gia đình. Thời điểm đó, TP cũng cho chủ trương triển khai mô hình bác sĩ gia đình.
Qua hơn ba năm triển khai, mô hình bác sĩ gia đình đã hoạt động ổn định ở nhiều bệnh viện và được bệnh nhân ủng hộ. Bệnh nhân và bác sĩ gắn bó như người thân.
Từ ca bệnh của người cha…
Tạ Minh Tuấn năm nay 28 tuổi, trước đây học ĐH Bách khoa TP.HCM. Anh được biết đến là người đầu tiên xây dựng thành công mô hình “bác sĩ gia đình” tại Việt Nam với tên gọi HELP International.
Gần chục năm trước, cha của Tuấn mắc bệnh ung thư, cả gia đình anh gần như suy sụp. Lúc này anh càng nhận thức rõ tầm quan trọng của việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Hầu hết bệnh nhân đến bệnh viện khi bệnh đã tiến triển nguy hiểm. Việc thăm khám bệnh thường xuyên sẽ giúp người dân bảo vệ sức khỏe, tiết kiệm chi phí, các bác sĩ cũng được giảm bớt áp lực điều trị ở tuyến trên.
Vượt lên nỗi đau, Tuấn nảy ra ý tưởng thiết lập hệ thống chăm sóc sức khỏe để kết nối bệnh nhân và bác sĩ theo mô hình của nước ngoài, nâng cao ý thức phòng bệnh của người dân.
HELP ra đời và từng bước kết nối với rất nhiều bệnh viện. HELP tư vấn, giới thiệu bệnh nhân tiếp cận với bác sĩ gia đình và duy trì mối liên hệ của mình với bác sĩ cho đến cuối đời.
Tuấn cho biết anh đang chuẩn bị cho bước tiếp theo với tên gọi “HELP 2.0” hoàn thiện hơn, đẩy mạnh hơn khâu tiếp thị, truyền thông.
Anh nói: “Bệnh viện có chuyên môn nhưng chưa mạnh về thị trường. Phòng khám mở ra mà người dân không hiểu tác dụng của mô hình thì cũng không vào khám. HELP sẽ cắt giảm rất nhiều lãng phí cho xã hội”.
Anh cho biết khi đã tròn duyên với dự án HELP 2.0, anh sẽ tập trung vào hoạt động đào tạo lớp trẻ khởi nghiệp.
Tạ Minh Tuấn là một trong 30 người trẻ dưới 30 tuổi nổi bật nhất châu Á được tạp chí Forbes vinh danh gần đây.Sau khi được Forbes vinh danh, Tuấn tránh tiếp xúc nhiều với báo chí vì muốn tập trung làm nhiều hơn nói. Anh bày tỏ: “Tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ nhưng theo nhiều cách khác”.Tuấn chia sẻ ý tưởng của mình trên Facebook và thực hiện nhiều cuộc nói chuyện với sinh viên tại các trường đại học.
Tạ Minh Tuấn (bên trái ngoài cùng) nói chuyện khởi nghiệp với các bạn trẻ. Ảnh: H.MINH Hiện nay, ngoài điều hành HELP, Tuấn còn điều hành Học viện Khởi nghiệp và lãnh đạo YUP do anh sáng lập. Thành công khá sớm ở tuổi 28, Tuấn nhìn nhận: “Trước đây khi khởi nghiệp tôi có một thời gian dài bị stress. Bây giờ tôi đã học được cách thưởng thức vẻ đẹp của con đường mình đang đi, biết cách cân bằng hơn…”. Tiết kiệm và yên tâm Từ khi biết về phòng khám bác sĩ gia đình ở BV quận 5, cả gia đình tôi theo khám ở đây. Bác sĩ thuộc bệnh án của bệnh nhân luôn, tôi rất yên tâm vì tất cả bệnh được tầm soát ngay từ đầu. Chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều chi phí chữa bệnh. Bác sĩ luôn khuyên phòng bệnh hơn chữa bệnh. Bà HOÀNG THỊ CẨM TIÊN, |
HỒNG MINH
Bài gốc: http://plo.vn/giao-duc/khoi-nghiep-tu-noi-dau-621830.html
>> Bài viết hay về Khởi nghiệp