* Đưa phẩm chất tỉnh thức vào sự nghiệp – điều này thực hiện như thế nào khi cuộc đời và nhất là việc kinh doanh, kiếm tiền vốn là cuộc chiến, như có người ví “thương trường là chiến trường”, thưa anh?
– Ngay từ khi mới khởi nghiệp, tôi chưa bao giờ tin rằng “Thương trường là chiến trường”. Vì chiến trường là cuộc chiến mất rồi. Ra chiến trường thì phải cầm súng. Cầm súng để bắn ai đây?
Trên thực tế, có những doanh nhân dù thành công, dù kiếm được nhiều tiền, nhưng đã tạo ra nhiều nghiệp quả, mà do còn vô minh nên chưa thể nhận thức được, hoặc là đã mang trong lòng quá nhiều tổn thương chưa được chữa lành, như là hậu quả của một lối sống và làm việc quá vật chất, quá “bạo lực”. Tôi nghĩ chúng ta nên chỉnh lại một chút rằng: Thương trường là cái “trường” với rất nhiều tình thương. Như vậy sẽ ổn hơn.
Chúng ta hoàn toàn có thể đi trên con đường cân bằng giữa vật chất và tinh thần. Đó là một con đường vô cùng cấp tiến. Và trên con đường đó, không thể thiếu vắng đi giá trị cốt lõi của tình thương.
* Có bao giờ anh bị thất bại hay đánh mất mình, thấy chông chênh không? Anh đã đối mặt và vượt qua nó ra sao?
– Nhiều lần lắm chứ, nhất là hồi tôi mới khởi nghiệp. Khi thì bị nhà đầu tư nắm quyền kiểm soát công ty, lúc thì kết quả kinh doanh không tốt, lại có khi phải đóng cửa cả dự án…
Cách tôi đối mặt lúc trước thì khác sau này lắm. Hồi đó mình hay sử dụng sức mạnh của tâm trí, của tinh thần, của ý chí, để vượt qua. Sau này tôi nhận ra cách làm đó dễ tạo ra nhiều sự đè nén bên trong tâm. Giống như có một ngọn núi lửa âm thầm vận hành bên trong mình chưa bao giờ được chuyển hóa. Những ký ức đó có thể tích tụ dần và dẫn đến những bi kịch trở về sau này.
Sau này, tôi thường đối diện và nhìn nhận thật kỹ nguyên nhân thất bại, nguyên nhân gốc rễ, liệu có chỗ nào chưa đúng đắn với quy luật của đất trời, bài học dành cho mình là gì, mình cần tu tâm sửa tánh ở chỗ nào, mình còn thiếu những phẩm chất gì… Khi thấu hiểu các luật tự nhiên, mình sẽ bình an hơn, vì mình tự lý giải được, do đã nhìn thấy được bức tranh lớn hơn (a bigger picture) là gì rồi.
* Một câu hỏi nhạy cảm, anh nghĩ về tiền bạc như thế nào? Có nhất thiết phải có nhiều tiền mới hạnh phúc và giúp đời được?
– Tiền bạc giống như là nguồn lực vậy thôi. Và đó không phải là nguồn lực duy nhất. Một người đã tốt sẵn rồi, thì tiền bạc chỉ làm lộ rõ những phẩm chất tốt đó ra (và cả những tính cách xấu, nếu có). Một người đã hạnh phúc rồi thì tiền bạc có thể giúp người đó hạnh phúc hơn chứ không phải tiền bạc giúp người đó hạnh phúc.
Nhưng đó cũng chỉ là hạnh phúc có điều kiện, hạnh phúc ngoài thân vậy thôi, nó chưa phải là hạnh phúc vô điều kiện, hạnh phúc đích thực từ bên trong.
Có điều, cái hạnh phúc ngoài thân đó vẫn cần thiết khi tồn tại trong chiều kích thế giới vật lý 3D mà chúng ta đang sống ngày nay. Vì không phải ai cũng đủ duyên ngay để tu tập, thực hành sâu về tâm linh, hay Phật pháp, để chạm được vào hạnh phúc tự thân ở bên trong mình.
Tiền bạc cũng không phải là nguồn lực duy nhất nên còn có nhiều nguồn lực khác mà một người có thể sử dụng để giúp người, giúp đời. Như trí tuệ, sự tử tế, thời gian, sức lực, việc phụng sự…
Tôi nghĩ điều quan trọng là mình nên có thái độ “trung đạo” với tiền. Không dính mắc vào tiền, nhưng cũng không chối bỏ vai trò của tiền.
* Vậy theo anh, hạnh phúc là gì? Anh có lời khuyên hay gợi ý nào trong việc kiến tạo hạnh phúc và tạo dựng sự nghiệp, cùng việc khởi nghiệp với những người trẻ?
– Đối với tôi, hạnh phúc là thiên tính của mỗi người. Đó là tự tính mà ai cũng có. Chúng ta đến với cuộc đời này, ai cũng có sẵn hạnh phúc như viên ngọc quý bên trong. Khi lớn lên, tích lũy nhiều ký ức, nhiều tổn thương, chúng ta vô tình xây nên một mê cung khóa chặt viên ngọc này ở sâu bên trong, mục đích để bảo vệ chính mình khỏi những tổn thương có thể trong tương lai, nhưng cũng vô tình ngăn cản chính mình có thể “chạm” được đến cái hạnh phúc tự tính đó, viên ngọc quý đó, sẵn có bên trong tâm thức của chính mình.
Nếu chúng ta ngộ ra điều này, thay vì đi tìm kiếm hạnh phúc ở bên ngoài, chúng ta chỉ cần buông bỏ đi những gì mà tâm trí ta đã thêu dệt nên để ngăn cản ta tìm thấy hạnh phúc từ bên trong. Ngay lập tức, ở khoảnh khắc đó, ta hạnh phúc. Thậm chí, ta không chỉ hạnh phúc (như một tính từ), mà ta còn trở thành hạnh phúc (như một danh từ).
Hãy khởi nghiệp chứ đừng tạo nghiệp. Hiểu đạo rồi, đừng chỉ khởi nghiệp, hãy… khởi chánh nghiệp.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này!
Phóng viên: Lưu Đình Long
Bài phỏng vấn: Đưa phẩm chất tỉnh thức vào sự nghiệp
Báo Giác Ngộ
Link bài:
https://giacngo.vn/dua-pham-chat-tinh-thuc-vao-su-nghiep-post66401.html
https://giacngo.vn/dua-pham-chat-tinh-thuc-vao-su-nghiep-post66401.html